Một sinh viên hỏi giáo viên của mình: “Tại sao mọi người thường kết hôn với một người khác mà không phải là người yêu họ nhất?” Cô giáo đáp: “Để trả lời câu hỏi đó, em hãy ra cánh đồng hoa và chọn bông hoa đẹp nhất rồi mang về đây. Nhưng luật là một khi em đi qua những bông hoa, em không được quay lại để hái.” Anh sinh viên đến cánh đồng, đi qua hàng đầu tiên, anh ta thấy một bông hoa rất đẹp khiến anh thích ngay lập tức. Nhưng rồi anh sinh viên nghĩ rằng sẽ còn những bông hoa đẹp hơn và tiếp tục đi. Sau đó, anh lại thấy một bông hoa đẹp khác nhưng một lần nữa, suy nghĩ về một bông hoa đẹp hơn nữa khiến anh ta bỏ qua và đi tiếp.
Cuối cùng, đi gần hết cánh đồng, anh sinh viên nhận ra không còn bông hoa nào đẹp hơn bông hoa mà anh đã bỏ qua. Anh ta trở về mà không hái một bông hoa nào vì anh không thể tha thứ cho bản thân đã bỏ lỡ một bông hoa tuyệt đẹp. Về đến phòng giáo viên, anh kể lại toàn bộ sự việc cũng như suy nghĩ của mình. Giáo viên nói: “Em luôn mong muốn tìm một bông hoa đẹp hơn nhưng lại vô tình bỏ qua bông hoa đẹp nhất, và khi em nhận ra điều đó, em không thể quay lại. Đây chính là sai lầm của nhiều người khi yêu và đánh mất người mà họ yêu thương nhất trong cuộc đời.”
Anh sinh viên tiếp tục hỏi: “Vậy có nghĩa là con người sẽ không bao giờ tìm thấy tình yêu đích thực? Giống như em không thể mang một bông hoa nào về.” Giáo viên nói: “Không phải thế đâu em, bất kì ai cũng có thể có được tình yêu nếu họ tìm được người phù hợp. Nhưng một khi đã yêu, em không được để mất người đó vì những lần tức giận, vì cái tôi quá lớn hay đem so sánh họ với người khác.”
“Thế còn tại sao mọi người thường kết hôn với ai khác mà không phải người họ yêu thương nhất?” Anh sinh viên hỏi. Giáo viên tiếp tục đề nghị: “Để trả lời câu hỏi này, em hãy đến cánh đồng ngô và chọn bắp ngô to nhất đem về đây. Nhưng luật lệ vẫn như cũ, một khi em đi qua thì em không được quay trở lại.” Anh sinh viên đến cánh đồng ngô, lần này anh cẩn thận không để mắc sai lầm như trước. Khi tới giữa cánh đồng, anh hái một bắp ngô mà anh cảm thấy ổn và đem trở về. Anh kể lại toàn bộ sự việc và cách anh chọn bắp ngô cho cô giáo nghe. Cô giáo nói: “Lần này em không trở về tay trắng. Nhưng em chỉ hái một bắp ngô bình thường và tự đặt niềm tin rằng đây là bắp ngô lớn nhất mà mình có thể hái. Đây chính là sai lầm khi chúng ta chọn lựa bạn đời.”

Anh sinh viên tỏ ra bối rối. Cô giáo tiếp tục: “Điều gì làm em băn khoăn sao?”. Anh sinh viên hỏi: “Em tự hỏi rằng điều gì tốt hơn, kết hôn với người mình yêu hay người yêu mình?” Cô giáo trả lời: “Không có lựa chọn nào là tốt hơn cả, mỗi lựa chọn đều cho em những hạnh phúc riêng của nó. Điều quan trọng là em có bằng lòng với lựa chọn của mình không mà thôi.”

Một giáo viên tiểu học quyết định tổ chức trò chơi cho lớp của mình. Cô yêu cầu buổi học ngày mai tất cả học sinh hãy mang một chiếc túi có chứa khoai tây đến. Mỗi một củ khoai tây sẽ được đặt tên theo tên người mà bọn trẻ ghét. Do đó số khoai tây của mỗi người là khác nhau.
Buổi học hôm sau, tất cả học sinh đều mang khoai tây đến. Có người mang 2 củ, có người 3, có người mang tận 5 củ. Cô giáo tiếp tục bảo học sinh hãy luôn mang chiếc túi khoai tây theo mình trong suốt một tuần. Một vài ngày trôi qua, lũ trẻ bắt đầu phàn nàn vì mùi hôi thối bốc ra từ những củ khoai tây hỏng. Ai mang càng nhiều khoai tây thì càng khốn khổ.

Một tuần trôi qua, mọi đứa trẻ đều vui thích vì trò chơi cuối cùng cũng kết thúc. Cô giáo hỏi: “Các em cảm thấy thế nào khi mang theo túi khoai tây một tuần?” Lũ trẻ bắt đầu kể về hoàn cảnh của mình, những bất tiện mà chúng gặp, mùi hôi thối mà chúng luôn phải chịu đựng. Lúc này, cô giáo mới nói về ý nghĩa của trò chơi: “Đây chính là cảm giác khi các em ghét bỏ một ai đó. Em sẽ luôn mang nó theo mình. Mùi hôi thối của lòng căm thù sẽ ảnh hưởng đến tâm trí em, trái tim em. Mùi hôi thối của củ khoai tây hỏng khiến các em khó chịu suốt cả tuần, vậy điều gì xảy ra nếu mùi hôi thối của lòng căm thù theo em suốt cuộc đời?”

Bhola có một chú lừa tên là Khandya. Bhola là một người chủ rộng lượng và tốt bụng. Thế nhưng chú lừa của ông lại là một kẻ lười biếng và luôn trốn tránh công việc.
Một lần trong khi chở bao tải muối rất nặng trên lưng, Khandya ngã xuống suối. Nó nhận ra rằng sau cú ngã thì số muối trên lưng nhẹ đi rất nhiều do bị tan trong nước. Từ đó ngày nào Khandya cũng cố tình ngã xuống suối. Bhola sớm nhận ra điều đó và cảm thấy không hài lòng vì hành động của Khandya làm tốn rất nhiều tiền bạc. Ông quyết định dạy con lừa của mình một bài học.
Hôm sau, Bhola thay bao tải muối bằng một bao tải vải và bông. Khandya không hề biết sự thay đổi. Như thường lệ, nó lại ngã xuống nước và cho bao tải bị ướt. Thế nhưng khi đứng lên con lừa thấy bao tải nặng hơn rất nhiều, lúc này nó mới nhận ra mình đã bị dạy một bài học từ chủ.

Khandya bắt đầu cư xử đúng mực hơn.

Một người gánh nước thuê ở vùng nọ có hai cái bình rất to, mỗi chiếc nằm ở một đầu của đòn gánh đặt trên vai anh ta. Một trong hai cái bình bị nứt và rỉ nước trên quãng đường dài từ suối về nhà. Về đến nhà cái bình bị nứt chỉ còn một nửa lượng nước ban đầu, trong khi đó cái bình lành lặn vẫn còn đầy y nguyên.
Hai năm dòng rã, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ có thể gánh được một bình rưỡi nước khi về đến nhà. Tất nhiên cái bình lành lặn rất tự hào vì thành quả của nó, không để hao phí bất kì một giọt nước nào. Còn cái bình bị nứt thì cực kì xấu hổ về khiếm khuyết của bản thân khiến nó chỉ hoàn thành được một nửa nhiệm vụ.
Chiếc bình nứt liền nói với chủ: “Tôi thật sự xấu hổ về bản thân, và tôi muốn xin lỗi tới anh.” Người gánh nước liền hỏi: “Tại sao? Cậu xấu hổ vì điều gì?” Chiếc bình trả lời: “Trong suốt hai năm qua, do vết nứt nên tôi chỉ mang được một nửa số nước khi về tới nhà. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của anh, anh không nhận được thù lao tương xứng với công sức mình bỏ ra.”
Người gánh nước tốt bụng đáp: “Hôm nay khi về nhà, cậu hãy để ý đến những bông hoa trên đường đi.” Khi đến một ngọn đồi, chiếc bình nứt nhận thấy mặt trời đang rọi ánh nắng vào những bông hoa ven đường, cảnh đẹp đó khiến nó cảm thấy được động viên đôi chút. Nhưng khi về tới nhà, chiếc bình nứt cảm thấy buồn trở lại, nó vẫn chỉ còn một nửa số nước. Chiếc bình tiếp tục xin lỗi chủ.

Người gánh nước nói: “Cậu không để ý rằng những bông hoa kia chỉ mọc ven đường bên phía của cậu ư, tại sao không phải cả hai bên? Đó là bởi vì mỗi ngày đi qua, những hạt mầm đều được cậu tưới nước từ khe nứt của mình. Sau hai năm từ đó đã mọc lên thành những bông hoa tươi đẹp rực rỡ. Và giờ tôi có thể hái chúng đem trang trí nhà cửa. Thế chẳng phải tôi đã nhận thù lao tương xứng rồi sao.” 


Xưa kia ở vùng nọ có một gã đàn ông vừa nghèo vừa lười. Gã không chịu làm việc nhưng luôn mơ mộng về một ngày trở nên giàu có. Hàng ngày gã chỉ sống dựa vào đồ bố thí của mọi người trong vùng. Một buổi sáng, gã được cho một hũ sữa tươi. Gã vui mừng trở về nhà, đun sữa và uống một ít. Phần còn lại gã ủ để làm pho mát. No nê, gã lên giường đi ngủ.
Gã lười bắt đầu nằm mơ mộng. Gã mơ về một gia tài đồ sộ, cuộc sống phú quý và những cực khổ sẽ không còn. Gã nghĩ về hũ sữa được ủ. “Sáng mai, hũ sữa sẽ lên men, mình sẽ đánh đều nó lên làm bơ và pho mát. Rồi bơ và sữa sẽ được mang ra chợ để bán kiếm tiền. Số tiền kiếm được mình sẽ mua một con gà mái. Một thời gian gà mái sẽ đẻ trứng vả nở ra một đàn gà, đàn gà sẽ lớn lên và lại đẻ ra hàng trăm quả trứng. Rồi mình sẽ có một trang trại gà lớn nhất vùng.” Gã lười tiếp tục mơ mộng. “Mình sẽ bán tất cả số gà và mua bò, mờ một trang trại sản xuất sữa. Cả thị trấn sẽ mua sữa từ trang trại của mình. Có nhiều tiền, mình sẽ mua trang sức, đá quý. Vua sẽ mua hết đá quý từ mình. Rồi mình sẽ trở nên cực kì giàu có, mình sẽ lấy một cô vợ xinh đẹp. Rồi mình sẽ có con. Nều nó mà hư thì mình sẽ dạy dỗ nó, mình sẽ đánh nó bằng một cây gậy to.” Vừa mơ mộng gã lười vô tình cầm cây gậy và múa may như đang đánh con. Cây gậy đập trúng hũ sữa.  

Một buổi sáng, tất cả nhân viên đến công ty làm việc. Họ đều ngạc nhiên khi thấy trên cửa ra vào một dòng chữ: “Ngày hôm qua, người kìm hãm sự thăng tiến của bạn đã qua đời. Chúng tôi mời bạn đến dự tang lễ diễn ra tại nhà thể chất.” Ban đầu, mọi người đều buồn vì có một đồng nghiệp đã mất. Nhưng sau một lúc, họ bắt đầu tò mò xem ai là người đã kìm hãm sự thăng tiến của mình bấy lâu nay.
Sự kích thích trí tò mò khiến mọi người đổ xô đến nhà thể chất, nhân viên an ninh phải cực kì chật vật để sắp xếp ổn định. Càng nhiều người tới tang lễ, không khí càng trở nên hỗn loạn. Mọi người đều nghĩ: “Ai đã gây trở ngại cho sự phát triển của mình? Ít nhất thì giờ hắn cũng đã chết.” Cuối cùng tất cả được cho phép tiến đến gần quan tài. Từng người nhanh chóng lại gần và nhìn vào trong. Mọi người đều sốc không nói thành lời, dường như có gì đó đã chạm vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn họ. Trong quan tài là một cái gương: ai nhìn vào đó cũng chỉ thấy bản thân mình.

Bên cạnh cái gương có một dòng chữ: “Không ai có thể kìm hãm bạn ngoại trừ chính bản thân bạn.” 



Một đàn ếch đi qua cánh đồng đề đến với hồ nước. Bỗng có hai con ếch bị rơi xuống hố sâu. Những con ếch ở trên nhìn xuống rồi nhận xét rằng cái hố quá sâu và hai con ếch kia chết chắc. Hai con ếch phớt lờ, cố gắng hết tâm trí để nhảy ra ngoài. Những con ếch ở trên vẫn tiếp tục nói với chúng rằng điều đó thật vô ích. Cuối cùng, một trong hai con ếch chú ý đến lời nói của các con ếch khác và từ bỏ. Nó rơi xuống và chờ chết.

Con ếch còn lại tiếp tục nhảy hết sức có thể. Một lần nữa, đám đông phía trên lại la hét rằng đừng cố gắng làm đau bản thân và hãy chờ một cái chết nhẹ nhàng. Con ếch nhảy thậm chí mãnh liệt hơn và cuối cùng bằng một cách nào đó nó đã ra khỏi hố. Khi thoát ra ngoài, các con ếch khác hỏi: “Anh không nghe chúng tôi nói sao?”. Con ếch giải thích: “Tôi không chú ý lắm, tôi nghĩ các anh đang cổ vũ cho tôi.” 


Tôi có một người bạn tên là Monty Robert, anh ta là chủ sở hữu của một trang trại ngựa ở San Isidro. Anh ấy quyên tặng trang trại của mình để gây quỹ giúp những người trẻ tuổi có dự án khởi nghiệp mạo hiểm được thực hiện ước mơ của mình. Lần cuối cùng tôi ở trang trại của anh ấy là trong buổi giới thiệu quỹ từ thiện, anh phát biểu: “Tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện. Câu chuyện nói về một chàng trai trẻ là con của người huấn luyện ngựa. Cậu ta sống trong một gia đình lưu động, từ chuồng ngựa này sang chuồng ngựa khác, từ trang trại này sang trang trại khác để phục vụ việc huấn luyện ngựa. Và điều đó khiến việc học tập của cậu trai trẻ bị gián đoạn liên tục. Khi là học sinh năm cuối, cậu được yêu cầu viết một báo cáo về những gì mình muốn làm khi trưởng thành.
Đêm hôm đó cậu ta viết một mạch 7 trang giấy miêu tả ước mơ được làm chủ một trang trại ngựa. Cậu ta miêu tả rất chi tiết, một trang trại rộng 80 héc ta, vị trí của các tòa nhà, chuồng ngựa, đường đi, một căn nhà rộng 300 mét vuông nằm trên mảnh đất ấy.
Chàng trai trẻ đã giành hết tâm huyết vào bài viết và nộp cho giáo viên vào buổi học tiếp theo. Hai ngày sau, cậu ta nhận lại bài. Ngay giữa trang đầu là một điểm F rất lớn cùng một dòng chú thích “gặp tôi sau giờ học”.
Chàng trai tìm gặp giáo viên và hỏi lý do vì sao bài cậu lại bị điểm F. Giáo viên nói: “Đây là một giấc mơ hão huyền, quá phi thực tế với một người trẻ tuổi như em. Em không có tiền. Em sống trong một gia đình lưu động. Em không có tiềm năng kinh tế. Sở hữu một trang trại ngựa cần rất nhiều tiền. Em phải mua đất. Phải chi trả cho việc mua giống, chăm sóc và rất nhiều khoản khác. Không có cách nào để em thực hiện được điều đó cả.” Cuối cùng, giáo viên kết luận: “Nếu em viết lại bài này với một mong muốn thực tế hơn, tôi sẽ cân nhắc lại điểm số.”
Chàng trai về nhà và suy nghĩ rất nhiều. Cậu hỏi cha của mình nên làm gì. Cha cậu nói: “Con trai, con phải tự quyết định điều này. Đó là một quyết định quan trọng và ta luôn ủng hộ con.” Sau một tuần suy nghĩ, chàng trai đến trường và nộp y nguyên bài cũ, không chút chỉnh sửa. Cậu tuyên bố: “Cô có thể giữ điểm F và em sẽ giữ ước mơ của mình.”

Monty kết thúc câu chuyện của mình với đám đông bằng cách quay lưng lại và chỉ về phía xa, “Tôi kể cho các bạn câu chuyện này vì các bạn đang đứng trong ngôi nhà rộng 300 mét vuông nằm giữa một trang trại ngựa rộng 80 héc ta. Tôi vẫn giữ bài viết đó và nó được đóng khung treo đằng kia.”


Con lừa của một người nông dân bị rơi xuống giếng. Nó khóc thảm thương hàng giờ trong khi người chủ cố gắng tìm cách cứu nó. Cuối cùng, người nông dân cho rằng con lừa đã già và cái giếng cũng không còn sử dụng nữa. Ông ta quyết định chôn con lừa để nó được chết một cách nhanh nhất. Ông nhờ hàng xóm cùng giúp mình. Họ lấy xẻng và xúc đất đổ vào giếng. Lúc đầu, con lừa nhận ra ý định của chủ mình và khóc thảm thiết hơn. Sau đó, mọi người đều ngạc nhiên khi tiếng khóc im bặt.

Đổ được khá nhiều đất vào giếng, người nông dân nhìn xuống và kinh ngạc. Mỗi khi đất đổ xuống lưng con lừa, nó đều lắc mình cho đất rơi xuống rồi bước lên trên. Đất đổ vào càng nhiều thì con lừa càng lên cao. Cuối cùng, nó lên được tới miệng giếng và nhảy tót ra ngoài trong vui sướng. 


Một cậu bé đến bốt điện thoại công cộng và ấn số gọi điện.
- Cậu bé: Thưa bà. Bà có cần người cắt cỏ không?
- Người phụ nữ bên kia đầu dây đáp: Tôi đã có người cắt cỏ rồi.
- Cậu bé: Thưa bà. Tôi sẽ nhận lương bằng một nửa người cắt cỏ của bà hiện nay.
- Người phụ nữ: Tôi hài lòng với người làm của mình và không có nhu cầu thay thế.
- Cậu bé vẫn kiên trì: Thưa bà. Tôi thậm chí quét các lối đi lại trong vườn, và mỗi chủ nhật bà sẽ có một bãi cỏ đẹp nhất vùng này.
- Người phụ nữ: Không, cảm ơn.
Nở nụ cười, cậu bé kết thúc cuộc điện thoại. Một người đàn ông gần đó nghe toàn bộ câu chuyện, ông ta tiến đến gần cùng một lời đề nghị.
- Người đàn ông: Cậu bé, ta rất thích thái độ nhiệt tình và tích cực của cậu. Cậu muốn làm cho ta không.
- Cậu bé: Không ạ, cháu cảm ơn.
- Người đàn ông: Nhưng ta vừa thấy cậu nài nỉ hết lời để có một công việc.

- Cậu bé: Không phải thưa ngài, cháu chỉ kiểm tra xem mình làm việc như thế nào. Cháu chính là nhân viên cắt cỏ của người phụ nữ vừa nghe điện.


Có bốn anh sinh viên nọ đi liên hoan qua đêm và không chuẩn bị cho bài thi ngày hôm sau. Sáng dậy, họ nghĩ ra một kế hoạch. Tất cả làm bẩn quần áo bằng dầu và bùn. Cả bốn cùng đến phòng thi trễ và nói với thầy rằng trên đường đi họ gặp phải tai nạn do lốp xe bị nổ nên không kịp tham dự bài thi. Thầy giáo suy nghĩ một lúc rồi đồng ý cho một bài kiểm tra khác vào 3 ngày sau. Bốn người rất vui cảm ơn thầy, cuối cùng họ cũng có thời gian để chuẩn bị cho bài thi.
Sau 3 ngày, bốn anh sinh viên tự tin đến trường, họ đã chuẩn bị rất cẩn thận. Thầy giáo tuyên bố rằng đây là một bài thi đặc biệt, do đó mỗi người phải ngồi một phòng khác nhau. Tất nhiên là mọi người đều đồng ý. Đề thi được phát ra chỉ có hai câu:
1.     Họ tên …. (1 điểm)

2.     Lốp nào bị nổ? …. (9 điểm)


Hai người đàn ông cùng đi bộ dưới trời nắng giữa một buổi trưa hè. Dần dần họ cảm thấy quá nóng để có thể tiếp tục hành trình. Thật may có một cái cây gần đấy, hai người tiến tới ngồi nghỉ dưới bóng của cây.
Nhìn ngó thân và cành cây, một người lên tiếng: “Thật là một cái cây vô dụng. Nó không có quả hay thứ gì có thể ăn được. Thậm chí nhìn cành của nó kìa, tôi nghĩ nó chẳng thể dùng vào việc gì.”

“Anh không nên nói thế”, người còn lại đáp, “Ngay lúc này chả phải nó đang rất hữu ích hay sao, cho chúng ta một nơi mát mẻ để tránh nắng. Vậy mà anh nói nó không có ích gì ư.”


Một ngày đẹp trời, vua Akbar bị mất chiếc nhẫn vàng. Khi Birbal tới buổi chầu, Akbar liền nhờ: “Ta bị mất chiếc nhẫn vàng, đó là quà mà cha đã tặng cho ta. Ngươi có thể giúp ta tìm nó được không.” Birbal nói: “Xin bệ hạ đừng lo, thần sẽ tìm cho ngài ngay.”

Birbal nói lớn: “Thưa bệ hạ, chắc chắn chiếc nhẫn vẫn ở đây trong buổi chầu này. Hơn thế nữa, nó còn nằm ở một trong số các quan dự chầu hôm nay. Và người giữ chiếc nhẫn có một sợi chỉ nhỏ trên râu của mình.” Bất giác, một viên quan giật mình đưa tay lên sờ râu. Birbal nhận ra ngay lập tức và sai người lục soát. Quả nhiên trong người viên quan kia có giữ chiếc nhẫn. Birbal giải thích rằng những kẻ có tội thì luôn lo sợ.



Bài đăng phổ biến