Tôi sinh ra ở một
làng quê hẻo lánh dưới chân một ngọn núi. Ngày nào bố mẹ tôi cũng phải đi cày cấy
trên mảnh đất đầy sỏi đá. Một hôm, tôi muốn mua một chiếc khăn mùi xoa, thứ mà
mọi cô gái quanh tôi đều có. Nên tôi đã ăn trộm 11.000 đồng trong ngăn kéo của
bố tôi. Tất nhiên bố tôi phát hiện ra điều đó.
“Ai đã lấy trộm
tiền của bố?” Bố hỏi em trai và tôi. Tôi hoảng hốt, quá sợ hãi để cất lời.
Không ai trong chúng tôi nhận tội, bố nói tiếp: “Được, nếu không ai thừa nhận
thì cả hai sẽ cùng bị phạt”. “Bố, con đã làm ạ!” Em trai nhận tội và chịu phạt
thay tôi.
Nửa đêm, tôi bỗng
khóc òa lên. Em trai liền bịt miệng tôi và nói “Chị đừng khóc nữa, mọi chuyện
qua rồi.” Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác đó khi được em trai mình bảo vệ.
Khi đó em trai tôi mới 8 tuổi và tôi 11 tuổi. Nhiều năm trôi qua, nhưng câu
chuyện chỉ như vừa mới xảy ra. Tôi vẫn tự trách bản thân vì không đủ can đảm thừa
nhận tội lỗi tôi đã làm.
Khi em trai tôi
tốt nghiệp cấp 2, nó được nhận vào một ngôi trường phổ thông ở ngoài thị trấn.
Cùng lúc đó, tôi cũng được nhận vào một trường đại học trên tỉnh. Buổi tối hôm ấy,
bố tôi ngồi ngoài sân, hút rất nhiều thuốc. Tôi có thể nghe được câu chuyện của
bố và mẹ, “Cả hai đứa đều có kết quả tốt? Cực kì tốt?” Mẹ tôi khẽ lau nước mắt
và thở dài, “Nhưng để làm gì chứ? Chúng ta làm sao có đủ tiền để cho cả hai đứa
cùng đi học?” Cùng lúc đó, em trai tôi đi ra, đứng trước mặt bố tôi và nói, “Bố,
con không muốn đi học nữa, con đọc sách đủ rồi.” Bố tôi trở nên tức giận, “Sao
mày lại nhụt chí như thế? Kể cả tao có phải đi ăn xin tao cũng phải cho bọn mày
học hành tới nơi tới chốn.” Ngay lập tức, bố tôi đi từng nhà một trong làng để
vay tiền.
Tôi xoa nhẹ đôi
má của em trai và nói, “Em mà không học hành cẩn thận thì sẽ không giúp gia
đình vượt qua cái nghèo đói bây giờ được đâu”. Về phần mình, tôi quyết định từ
bỏ không học đại học nữa. Không ai biết điều đó cho đến ngày hôm sau, trước khi
mặt trời mọc, em trai tôi đã bỏ nhà ra đi với vài cái quần áo cũ cùng chút đỗ
phơi khô. Nó chỉ để lại một mẩu giấy dưới gối tôi, “Chị, đỗ đại học là điều
không hề đơn giản. Em sẽ đi tìm việc làm và gửi tiền cho chị.” Tôi ngồi bên giường,
tay nắm chặt mẩu giấy và tôi bắt đầu khóc.
Với số tiền bố
tôi mượn được khắp làng, cùng với số tiền em trai kiếm được bằng công việc bốc
vác tại công trường, cuối cùng, tôi cũng học được tới năm 3 đại học. Năm đó em
trai tôi 17 tuổi còn tôi 20 tuổi.
Một ngày, trong khi đang ngồi học, bạn cùng
phòng liền vào và bảo với tôi có người cùng làng lên thăm, đang đợi ở ngoài.
Tôi tự hỏi đó có thể là ai? Tôi đi ra và nhìn thấy em trai của mình, toàn thân
phủ đầy đất, bụi, xi măng và cát. “Sao em không bảo với bạn chị rằng em là em
trai của chị?” Tôi hỏi. Nó đáp lại cùng một nụ cười, “Nhìn em xem. Người ta sẽ
nghĩ gì nếu họ biết em là em trai chị? Chẳng phải họ sẽ cười chị sao?”. Tôi cảm
thấy xúc động, nước mắt cứ tuôn ra. Tôi phủi bụi bẩn trên quần áo của em trai
và nói trong tiếng nấc nhẹ, “Chị không quan tâm điều người ta nói! Em là em
trai chị cho dù em có trông như thế nào đi nữa.”
Từ trong túi,
em trai tôi lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm. Nó kẹp lên tóc tôi và nói,
“Em thấy mọi cô gái trong thị trấn đều đeo nó. Em nghĩ chị nên có một cái.” Tôi
không thể kiềm chế được nữa. Tôi ôm chầm lấy em trai và khóc. Năm đó, em trai
tôi 20 tuổi còn tôi 23 tuổi.
Sau khi lấy chồng,
tôi sống ở thành phố. Nhiều lần chồng tôi muốn mời bố mẹ tôi lên thành phố sống
cùng nhưng bố mẹ tôi đều từ chối. Họ nói nếu nọ rời bỏ ngôi làng, họ không biết
phải làm gì. Em trai tôi cũng đồng ý như vậy. Nó nói, “Chị cứ yên tâm chăm nhà
chồng, em sẽ chăm sóc bố mẹ mình”.
Chồng tôi trở
thành giám đốc nhà máy. Chúng tôi muốn em trai tôi trở thành quản lý ở đó.
Nhưng em trai tôi từ chối đề nghị, nó muốn làm một người sửa chữa hơn là một
người chế tạo. Một ngày, em trai tôi trong khi đang sửa dây cáp trên cao thì bị
giật điện ngã gãy chân. Nó được đưa tới bệnh viện ngay sau đó. Chồng và tôi tới
bệnh viện thăm, nhìn đôi chân của nó được băng bó bằng thạch cao, tôi quở
trách: “Sao em lại từ chối trở thành quản lý? Làm quản lý sẽ không nguy hiểm
như vậy. Giờ thì nhìn xem, em bị thương
nghiệm trọng như vậy, sao em không nghe lời chị?” Với một khuôn mặt nghiêm nghị,
nó bảo vệ quan điểm, “Thử nghĩ xem. Anh rể mới trở thành giám đốc nhà máy. Còn
em, không được giáo dục đàng hoàng, lại trở thành quàn lý một cách dễ dàng, người
ta sẽ đồn đại như thế nào?” Chồng tôi bồi hồi xúc động, tôi nói, “Nhưng em
không được học hành là do chị!”. “Sao chị lại nói về điều đó, nó chỉ là quá khứ
thôi, mọi chuyện qua rồi.”, nó cầm tay tôi và nói. Năm đó, em trai tôi 26 tuổi
còn tôi 29 tuổi.
Năm em trai tôi
30 tuổi, nó lấy một cô gái cùng làng. Trong đám cưới, chủ hôn hỏi em trai tôi,
“Ai là người mà cậu tôn trọng và yêu thương nhất?” Không một giây suy nghĩ, câu
trả lời vang lên, “Chị tôi.” Nó bắt đầu kể một câu chuyện mà tôi không thể nhớ
nổi. “Khi tôi còn học tiểu học, trường học ở một ngôi làng khác. Hàng ngày, chị
gái và tôi đều phải đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ để đến trường và về nhà. Một ngày,
tôi mất một chiếc tất tay. Chị gái tôi liền đưa một chiếc của chị cho tôi. Còn
chị chỉ dùng một chiếc. Khi về đến nhà, tay chị run lẩy bẩy vì trời lạnh. Thậm
chí chị còn không thể cầm nổi đôi đũa khi ăn cơm. Từ giây phút đó, tôi đã thề rằng
chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ chăm sóc và bảo vệ chị, luôn đem lại điều tốt đẹp
nhất có thể cho chị.”