Một ngày mùa đông lạnh giá, Akbar và Birbal đi dạo quanh hồ thư giãn. Chợt một ý nghĩ nảy ra trong đầu Birbal, ông cho rằng con người sẽ làm tất cả mọi thứ vì tiền. Ông nói lại suy nghĩ cho vua Akbar. Akbar liền sờ tay xuống hồ và rụt lại ngay lập tức vì lạnh, rồi nói: “Ta không nghĩ trên đời này sẽ có người dám nằm cả đêm dưới hồ nước lạnh kia vì tiền.” Birbal đáp: “Thần tin rằng sẽ có người như thế.” Akbar thách thức Birbal tìm được người đó và hứa sẽ tặng thưởng một nghìn đồng vàng nếu anh ta chịu qua một đêm.
Birbal tìm tiếm khắp nơi và có một người đàn ông nghèo khổ chấp nhận lời đề nghị. Người đàn ông nghèo đến nằm trong hồ, vua Akbar sai người cạnh gác để đảm bảo rằng anh ta giữ đúng lời hứa. Sáng hôm sau, lính gác đưa người đàn ông nghèo tới diện kiến vua. Vua Akbar hỏi làm sao mà anh ta có thể chịu đựng được cái lạnh giá như vậy suốt một đêm. Người đàn ông trả lời rằng gần hồ có một cái đèn đường và anh ta đã nhìn nó suốt đêm, điều đó giúp anh quên đi cái lạnh. Akbar quyết định không trao thưởng như đã nói vì cho rằng người đàn ông sống sót là do được đèn đường sưởi ấm. Không thể giải thích, người đàn ông nghèo tìm đến sự giúp đỡ của Birbal.
Buổi chầu ngày hôm sau, Birbal không tham dự. Vua Akbar băn khoăn liệu có chuyện gì xảy ra với cố vấn thân cận của mình, ông gửi thư hỏi thăm tới nhà Birbal. Thư trả lời nói rằng Birbal sẽ trở lại triều đình khi nồi cơm của ông được nấu chín. Vua Akbar chờ nhiều ngày mà Birbal vẫn không đến. Cuối cùng, đích thân vua đến nhà Birbal để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Khi đến nơi, vua Akbar thấy Birbal ngồi gần một đống củi nhỏ đang cháy, ở phía trên cao hơn 2 mét có treo một niêu cơm. Nhà vua và các người hầu đi theo đều cười phá lên. Akbar lên tiếng: “Làm sao mà ngươi có thể nấu chín khi niêu cơm ở xa ngọn lửa như vậy.” Birbal trả lời: “Vậy thì người đàn ông nghèo kia sao có thể nhận được hơi ấm từ ngọn đèn ở rất xa.”
Vua Akbar nhận ra sai lầm của mình và trao thưởng cho người đàn ông nghèo.