Một ngày nọ, vua Akbar cực kì giận dữ và quyết định đuổi vị cố vấn thân cận của ông là Birbal khỏi thành. Tuân lệnh vua, Birbal rời đi và bắt đầu cuộc sống của một người nông dân ở một ngôi làng vô danh. Thời gian trôi qua, Akbar bắt đầu nhớ Birbal. Ông ta phải tự mình giải quyết rất nhiều vấn đề quốc gia mà không có những lời khuyên của Birbal. Vị vua bắt đầu hối hận và muốn tìm người cố vấn thân cận trở về, ông ta sai quân lính đi tìm Birbal nhưng không có kết quả. Akbar cũng nghĩ ra một diệu kế. Ông gửi một mệnh lệnh tới tất cả các ngôi làng, yêu cầu phải nộp một chiếc bình đầy trí tuệ trong đó. Nếu không thì cả làng phải nộp kim cương và đá quý thay thế.
Mệnh lệnh đó được truyền tới ngôi làng mà Birbal đang sống. Tất cả người dân trong làng tập trung lại và bắt đầu thảo luận cách thực hiện mệnh lệnh vô lý kia. Trí tuệ không thể nào cân đo đong đếm được thì làm sao có thể cho vào một chiếc bình. Kim cương và đá quý thì càng không có để nộp phạt. Birbal với tư cách một người dân làng xung phong nhận trách nhiệm: “Hãy cho tôi chiếc bình và một tháng, tôi sẽ lấp đầy nó bằng trí tuệ.” Không ai biết thân phận thật của Birbal, nhưng cũng chả còn cách nào khác nên đành chấp nhận.
Birbal cầm chiếc bình và đến nông trại. Ông trồng dưa hấu trên mảnh đất của mình. Ban đầu, ông chọn một quả dưa hấu nhỏ và cho vào bình mà không cắt khỏi cây. Ngày ngày, Birbal chăm sóc quả dưa hấu, tưới nước, bón phân cho nó. Một thời gian sau, quả dưa hấu lớn dần và trở nên vừa khít với thân bình, không có cách nào có thể lấy nó ra khỏi miệng bình. Lúc này Birbal mới cắt rời quả dưa hấu và gửi chiếc bình đến vua Akbar cùng một yêu cầu “hãy lấy trí tuệ khỏi bình mà không cắt nó hay làm vỡ bình”.
Akbar ngay lập tức nhận ra người gửi chính là Birbal. Ông đích thân đến ngôi làng và mời Birbal trở về.